Ôtô Việt Nam nhìn từ nỗi buồn mang tên Vinaxuki

Sở hữu ôtô là khát khao của nhiều người Việt, nhưng khi Vinaxuki chuyển sang sản xuất xe con nhằm thỏa mãn nhu cầu đó thì lại thất bại. Vậy đâu là hướng đi cho ngành ôtô Việt trong tương lai? Chuyện thất bại của ngành công nghiệp ôtô, hay câu chuyện của Vinaxuki đã được các nhà kinh tế, chuyên gia đánh giá bằng nhiều góc nhìn khác nhau. Ở bài viết Giấc mơ công nghiệp ôtô Việt Nam năm 2020 đã thành không tưởng, tôi có phân tích rõ ràng, đồng thời cho thấy mục tiêu của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã xa vời vợi.
Sự thất bại hẳn có nhiều nguyên nhân nhưng trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến việc Vinaxuki đã tự mình tìm đến khó khăn. Đây cũng là bài toán khó nhất mà cả ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng đi trong hơn 20 năm qua.
Lý do khiến Vinaxuki thất bại đã được nhắc đến nhiều lần nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa chính là do họ đã “sai lầm trong chiến lược”. Đây cũng là thực tế của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hàng chục năm qua.
Có lẽ, tôi nhận định như vậy cũng có phần chủ quan vì chưa bao giờ gặp anh Bùi Ngọc Huyên (chủ tịch Vinaxuki). Từ thực tế, không thể phủ nhận rằng Vinaxuki từng là một trong những công ty Việt Nam sản xuất các sản phẩm xe thương mại (xe tải các loại) có tiếng trên thị trường.
Có thời, Vinaxuki là đối thủ cạnh tranh đáng kể so với Trường Hải, và cũng là một trong những công ty Việt Nam có mặt trong VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam), bên cạnh các doanh nghiệp ôtô có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầy tiềm lực.
Mọi chuyện bước sang giai đoạn mới khi Vinaxuki quyết tâm đầu tư sản xuất xe con. Với vốn vay đầu tư lớn, cùng những yếu kém trong quản trị đã khiến công ty mất dần khả năng cân đối tài chính, dẫn tới khó khăn ngày càng chồng chất.
Trong ngành ôtô, hẳn ai cũng phải thừa nhận anh Huyên là một người rất tâm huyết. Tuy nhiên, định hướng chiến lược không đúng dẫn tới sự phá sản của Vinaxuki là điều không khó lý giải.
Bây giờ, khi nhìn vào Trường Hải hay Thành Công, người ta sẽ không khỏi bùi ngùi cho Vinaxuki - một thời cũng có thể nói là tự hào cho xe tải Việt. Tôi vẫn còn nhớ những đoạn quảng cáo trên tivi “có cầu, có đường là có Vinaxuki” vào mỗi tối, thật ấn tượng. Nhưng bây giờ, phải nói giá như ngày đó anh Huyên và xe tải do công ty anh sản xuất vẫn “bám cầu, bám đường” thì ngày nay đã không trật bánh.
Một bài học đã được các nhà kinh tế nhắc lại nhiều lần là chỉ nên làm những gì có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh. Hay nói đơn giản là làm những gì được thị trường đón nhận, nhưng dường như đó vẫn là bài học mà nhiều doanh nghiệp như Vinaxuki chưa chịu hiểu.
Sản phẩm chưa ra đời và chẳng bao giờ ra thị trường, nhưng những khó khăn và hệ lụy cứ đến chồng chất đã kéo Vinaxuki từ đỉnh cao vinh quang xuống vực sâu trong thời gian ngắn.
11897035-932181086823973-61269-1843-8670
Ôtô Vinaxuki và "giấc mộng không thành". Ảnh: Tiền Phong
Tôi cho rằng, người Việt chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ, thậm chí những sản phẩm tưởng chừng ngoài khả năng nhưng dưới góc độ kinh tế, việc làm ra sản phẩm phải với quy mô công nghiệp, và được thị trường chấp nhận mới gọi là làm được và đó là điểm mấu chốt. Phải chăng người Việt chúng ta làm kinh tế chưa bằng các nước khác?
Sai lầm chiến lược của Vinaxuki là xác định không chính xác sản phẩm có thế mạnh để tập trung đầu tư, trong khi ấy, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, dẫn tới những khó khăn đến mức đóng cửa nhà máy.
Cùng câu chuyện của Vinaxuki là việc quy hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô cũng bế tắc hàng chục năm qua, chúng ta không biết được đâu là thế mạnh cần tập trung, vì thế, con đường đi 20 năm vẫn còn phải tìm kiếm. Như vậy, hẳn đã trễ.
Tôi đã phân tích ở bài trước, chúng ta rất khó sản xuất xe con bởi các nước Asean như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philipine đã làm thành công.
Đối với xe thương mại thì không thể có ngành công nghiệp ôtô vì thực tế ở các nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển đều phải dựa vào xe con, chưa kể các loại xe thương mại Trung Quốc vốn phát triển rất mạnh.
Như vậy, chúng ta cứ nhắc tới chiến lược nhưng lại loay hoay tìm hướng đi, vậy chiến lược đó bao giờ mới thực sự có hiệu quả?
Người ta cứ nói Vinaxuki đáng lẽ nên bắt đầu làm xe hơi Việt từ ốc vít hay động cơ nhưng tôi cho rằng, chúng ta nên bắt đầu với định hướng làm cái gì mà thị trường có thể chấp nhận.
Scroll